Ứng dụng Telegram cho phép người dùng yêu cầu mã OTP để đăng nhập vào tài khoản trên các thiết bị mới mà không cần mật khẩu. Do vậy, những kẻ lừa đảo sau khi lấy được số điện thoại đăng nhập tài khoản Telegram, chúng chỉ cần có mã OTP của ứng dụng để đăng nhập và chiếm đoạt tài khoản của người dùng.
Người dùng khi thấy mã OTP được gửi về tài khoản của mình từ chính Telegram đã không nghi ngờ gì, vì tưởng rằng trang web đăng nhập kể trên thực sự là của Telegram, nên nhập mã OTP này vào trang web của những kẻ lừa đảo.
Nhưng ngay sau khi người dùng nhập mã OTP, tài khoản Telegram của họ sẽ lập tức bị chiếm đoạt.
Trên thực tế, khi Telegram gửi mã OTP đến số điện thoại của người dùng, ứng dụng này đã cảnh báo: “Không cung cấp mã này cho bất cứ ai, ngay cả khi họ nói rằng mình đến từ Telegram. Mã này có thể được sử dụng để đăng nhập vào tài khoản Telegram. Nếu bạn không yêu cầu đoạn mã này bằng cách đăng nhập vào thiết bị khác, hãy bỏ qua tin nhắn này”.
Tuy nhiên, nhiều người dùng nhẹ dạ cả tin đã không chú ý đến lời cảnh báo của Telegram khi mã OTP được gửi đến nên đã khai báo đoạn mã này vào trang web, hậu quả tài khoản của họ đã bị kẻ xấu chiếm đoạt.
Sau khi chiếm được tài khoản Telegram, những kẻ xấu sẽ sử dụng cho các mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc khai thác các nội dung riêng tư, cá nhân trong tin nhắn Telegram để sử dụng cho mục đích tống tiền…
Trên thực tế, chiêu lừa kể trên không mới. Ngoài Telegram, những kẻ lừa đảo cũng áp dụng chiêu trò tương tự để chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Việc mất tài khoản mạng xã hội không chỉ khiến người dùng bị kẻ xấu đọc trộm các nội dung tin nhắn riêng tư, quan trọng mà còn có thể khiến họ bị mất uy tín do kẻ xấu sử dụng các tài khoản này cho mục đích lừa đảo, mượn tiền…
Do vậy, người dùng nên đề cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo của những kẻ xấu nhằm bảo vệ an toàn cho tài khoản mạng xã hội của mình.